Người Tiêu Dùng Ngày Càng Ưa Chuộng Sản Phẩm ‘Xanh’

 

Ngày nay, tiêu dùng trong xã hội hiện đại không chỉ đặt ra những yêu cầu về chất lượng, công dụng, giá thành mà còn đòi hỏi tính bền vững và thân thiện với môi trường trong từng sản phẩm. Từ đây, “sản phẩm xanh” được nhiều người ưu tiên sử dụng.

Người tiêu dùng ngày càng ưu chuộng sản phẩm ‘xanh’ - Ảnh 1.

Xu hướng lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng tăng. Ảnh: VGP/QT

Xu hướng lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường

Tiêu dùng xanh là một nội dung trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam. Những năm qua, nhiều mô hình tiêu dùng xanh được cộng đồng hưởng ứng như: Gói rau, củ, quả bằng lá chuối; dùng bình nước bằng thủy tinh, ống hút bằng tre hoặc giấy; sử dụng ly giấy thay ly nhựa, túi vải thay túi nilong…

Chị Võ Thị My, là chủ một cửa hàng café trên phố Cầu Giấy chia sẻ: “Trước đây mình có tham gia một chương trình nói về vấn đề ô nhiễm môi trường có liên quan đến việc dùng đồ nhựa và mình cũng có tham gia cùng các anh chị hội nhóm buôn bán các sản phẩm thân thiện với mội trường. Vì thế khi mở cửa hàng café, mình đã nghĩ ngay việc sử dụng cốc và ống hút giấy. Điều này vừa bảo đảm sức khoẻ của khách hàng mà cũng tránh được những tác động gây ô nhiễm môi trường”.

Anh Lê Văn Thắng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, tôi hay đi uống cafe, trước ở các quán họ dùng ống hút nhựa nhưng giờ mình thường thấy nhiều nơi dùng ống hút bằng giấy được làm bằng vật liệu hữu cơ nhiều hơn. Tôi rất ủng hộ việc thay đổi này bởi nó sẽ góp phần bảo vệ môi trường và an toàn cho sức khỏe hơn là ly nhựa dùng một lần kém chất lượng”.

Trong xu hướng sống xanh, việc sử dụng túi vải, túi giấy thay cho túi nilon gây hại cho môi trường đang được nhiều người tích cực thực hiện. Bạn Đỗ Nhật Ánh, sinh viên năm thứ 2 trường Cao đẳng Công nghiệp cho biết: “Nhóm bạn thân của mình thường dùng túi vải đeo đi chơi, đi du lịch. Những chiếc túi vải nhẹ nhàng, thanh lịch, in hình ảnh bắt mắt đã là vật “bất ly thân” của chúng mình. Đây cũng là cách để chúng mình hình thành thói quen “nói không” với túi nilon khi đi mua hàng mà dùng túi vải của mình mang theo để đựng đồ”.

Có thể khẳng định những sản phẩm thân thiện với môi trường đang được người tiêu dùng hưởng ứng tích cức và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới. Hiện nay có nhiều cửa hàng, siêu thị… người dân đã lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường sử dụng thường xuyên, trở thành xu hướng mới trong tiêu dùng của người dân.

Các chuyên gia môi trường xem tiêu dùng xanh như một biện pháp “giải cứu trái đất” trước những biến đổi xấu của môi trường sống trên toàn cầu. Do đó, xu hướng sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Doanh nghiệp hướng tới sản xuất xanh

Người tiêu dùng ngày càng ưu chuộng sản phẩm ‘xanh’ - Ảnh 2.

Chuyển hướng đầu tư xanh, sản phẩm có tính bền vững, giảm thiểu ô nhiễm sẽ giúp ngành dệt may có tương lai. Ảnh: VGP/DA

Trong thời gian qua, nhiều công ty đã chú trọng đầu tư dây chuyền máy móc, trang thiết bị hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch. Ðiều này góp phần giúp các sản phẩm của công ty nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường, cập nhật những xu thế, thị hiếu mới của người tiêu dùng…

Cơ bản sản xuất xanh là sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế, hạn chế ô nhiễm và chất thải trong các quy trình sản xuất Khi doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh họ sẽ được hưởng lợi nhất định. Chẳng hạn như trong ngành dệt may, khi các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu tự nhiên sẽ được ưu tiên xuất khẩu vào những thị trường lớn, được ký các hợp đồng dài hạn với giá trị lớn hơn.

Với mục tiêu “xanh hóa”, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã tự đầu tư hoặc hợp tác với các quỹ đầu tư, nhà phát triển để lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên nóc nhà máy, sử dụng năng lượng sạch phục vụ sản xuất. Ông Masahiro Morofuji, Chủ tịch Công ty Dệt may (Tập đoàn Itochu), cổ đông lớn của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, chuyển hướng đầu tư xanh, sản phẩm có tính bền vững, giảm thiểu ô nhiễm sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam có tương lai.

Hay như tại Công ty Nhựa Duy Tân, chiến lược phát triển xanh được thực hiện bằng việc cho ra đời Công ty Nhựa tái chế Duy Tân. Nhà máy của công ty này bắt đầu hoạt động năm 2020, có thể thu gom, xử lý, sản xuất 30.000 tấn nhựa PET mỗi năm và đang dự kiến tăng gấp đôi công suất. Năm 2022, doanh nghiệp này đã thu gom và tái sinh hơn 1,3 tỷ chai nhựa, xuất khẩu sản phẩm sang 12 quốc gia và cung cấp bao bì tái chế cho các nhãn hàng lớn như Lavie, Nestle, Coca-cola…

Giám đốc phát triển bền vững của Công ty Nhựa tái chế Duy Tân Lê Anh cho rằng, nếu không nghĩ xanh thì không thể làm kinh tế xanh: “Gần đây câu chuyện kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, phát triển bền vững được nhắc đi nhắc lại, đặc biệt là sau COP 26 tại Scotland với sự tham gia và cam kết của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi doanh nghiệp thì sẽ tiếp cận kinh tế xanh theo một hướng khác nhau. Là một doanh nghiệp là lâu năm trong ngành nhựa thì hiện nay chúng tôi đang phát triển một mảng là làm một vòng đời mới cho ngành nhựa, góp phần giúp Việt Nam trở nên xanh, sạch, đẹp hơn”.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, chính việc chuẩn hóa các khâu trong sản xuất, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu “xanh” của thị trường đã đưa doanh nghiệp đến với kinh tế xanh.

Có thể thấy, để hướng tới các mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững cần có sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp cũng như những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, rất cần những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững.

Trích Báo: Thăng Long